1. Cây lạc:
Lạc vụ Xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng ra hoa đến hình thành quả, có các đối tượng dịch hại như sau:
- Câu cấu xanh (Bọ gạo): Câu cấu trưởng thành ăn lá, đọt non và hoa. Điều tra cho thấy mật độ câu cấu trưởng thành phổ biến 15 – 20 con/m2, cao 50 con/m2 tại các xã Tân Mỹ Hà, Sơn Tiến, Sơn Châu, Sơn Bình, An Hòa Thịnh, Sơn Bằng, Sơn Tây, Sơn Trung… Khi mật độ lớn, chúng có thể ăn hết cả các lá già, phiến lá, để lại một phần gân chính làm cho bộ lá xơ xác, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng quang hợp của cây khiến cho cây còi cọc, xơ xác. Chúng còn gặm cả vỏ quả non.
Câu cấu non (ấu trùng) sống trong đất, cắn phá rễ cây làm bộ rễ cây bị tổn thương, không hấp thu được chất dinh dưỡng.
Biện pháp phòng trừ: Dùng vợt thu gom trưởng thành.
Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Golnitor 50WG phối trộn với hoạt chất Alpha cypermethrin (như Pytax 5EC; Bestox 5EC;…) 10 gam golnitor + 10ml bestox 5EC pha 16 lít nước/sào.
- Bệnh lở cổ rễ thối gốc mốc đen: Nấm xâm nhiễm ở thân, nhất là phần gốc thân sát cổ rễ làm cho mô vỏ bị thối nâu hoặc nâu đen, viền vùng thối không đều và có màu nâu đỏ, phần bệnh hơi lõm vào, sau đó thân bị nứt ra, lá bị khô héo dần, cây bị nhiễm bệnh thường chết. Ngoài gây lở cổ rễ, nấm còn gây bệnh thối quả.
Biện pháp: Kết hợp biện pháp canh tác và biện pháp hóa học như nhổ tiêu hủy cây bị bệnh, bón vôi; sử dụng thuốc hóa học để phun trừ như Ridomil gold 68WG; Tiltsuper 300EC; Vida 5WP…
- Cần theo dõi thường xuyên ruộng lạc phát hiện sâu xanh, sâu khoang, bệnh đốm nâu, bệnh gỉ sắt để kịp thời phòng trừ.
- Làm rãnh thoát nước tốt, không để nước đọng gây úng cục bộ trên ruộng lạc.
2. Cây ngô.
Ngô vụ Xuân đang giai đoạn 5 lá – 9 lá. Dịch hại chủ yếu gồm sâu keo mùa thu và bệnh đốm lá nhỏ.
- Sâu keo mùa thu: Chỉ pha sâu non mới gây hại trên cây trồng, trong đó sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn. Biện pháp phòng trừ: Sử dụng thuốc Vitako 40WG; Obaone 95WG; Match 50EC, golnitor 50WG… để phun trừ vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Bệnh đốm lá nhỏ: Bệnh thường hay xuất hiện lá già sát gốc trước, tiếp đến lan dần lên các lá trên. Vết bệnh dài có dạng sọc hình thoi không đồng đều, màu nâu hoặc xám bạc, không có quầng vàng. Kích cỡ vết bệnh lớn 16 – 25 x 2 – 4 milimét, có khi vết bệnh nối dài tới 5 – 10 centimét, nhiều vết bệnh có thể liên hết nối tiếp nhau làm cho lá dễ khô táp, rách tươm ở đoạn chóp lá. Bệnh gây hại nặng trên những ruộng gieo trồng dày, bón phân không cân đối, ruộng nhiều cỏ. Biện pháp phòng trừ: Gieo trồng đúng mật độ, bón phân cân đối, làm sạch cỏ dại, loại bỏ bớt những lá bị bệnh phía dưới để giảm nguồn bệnh trong ruộng, sử dụng thuốc Ridomil gold 68 WG; Tiltsuper 300EC; Vida 5WP, Nevo 330 EC, phun vào lúc nắng nhẹ và ráo lá.