Xã Sơn Lễ là vùng đất cổ, có sự định cư từ sớm của con người, hình thành cùng với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Trải qua thời gian lâu dài của lịch sử, các thế hệ người con của quê hương nơi đây đã cần cù lao động, sáng tạo, khai phá đất đai, dựng nên làng xóm và đã để lại cho con cháu nhiều giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp. Con người Sơn Lễ siêng năng, chịu khó, hiếu học, hăng say trong lao động sản xuất, thường xuyên phải khắc phục khó khăn của thiên nhiên. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm, người dân nơi đây luôn kiên cường, mưu trí, dũng cảm để bảo vệ xóm làng và đất nước.
I. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
1.Vị trí địa lý:
Sơn Lễ là một xã miền núi vùng sâu, vùng xa của huyện Hương Sơn. Xã Sơn Lễ nằm về vị trí phía Bắc huyện, cách thị trấn huyện Hương Sơn khoảng 8 km. Phía Ðông giáp xã Sơn An; phía Tây giáp xã Sơn Lâm và xã Sơn Giang; phía Nam giáp xã Sơn Ninh và xã Sơn Trung; phía Bắc giáp xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Nguyên xã thuộc huyện Dương Toại, thuộc quận Cửu Đức. Đời Đường, xã thuộc châu Phúc Lộc, đời Lý là xã thuộc hương Đỗ Gia, thuộc châu Nghệ An. Thời nhà Trần và thuộc Minh, xã thuộc huyện Cổ Đỗ. Đầu đời Lê thuộc huyện Đỗ Gia. Năm Quang Thuận thứ 10, đời vua Lê Thánh Tông (1469), đổi tên là huyện Hương Sơn.
Thời Gia Long, theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), xã Sơn Lễ xưa thuộc tổng An Ấp, huyện Hương Sơn. Tổng An Ấp có 6 xã, thôn, giáp: An Ấp, thôn Thọ Lộc, Tuần Lễ, giáp Ông Bùi, Phúc Dương, giáp An Bài.
Trước năm 1945, xã có tên là Tuần Lễ, thuộc tổng An Ấp, huyện Hương Sơn. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đặt lại là xã An Lễ.
Sau phát động giảm tô hoàn thành năm 1954, toàn huyện Hương Sơn trước đây có 15 xã, nay được chia lại thành 29 xã. Xã An Lễ được chia làm 2 xã là xã Sơn An và xã Sơn Lễ.
Xã Sơn Lễ được thành lập bao gồm các làng:
- Làng Yên Đức
- Làng Hàm Lại
- Làng Thọ Lộc
- Xóm Khe, xóm Sắn, xóm Tưng thuộc làng Xuân Trì
2. Điều kiện tự nhiên
Sơn Lễ thuộc vùng bán sơn địa, địa hình của xã thấp dần theo hướng Tây Bắc- Đông Nam. Hệ đồi núi phân bố chủ yếu ở phía Tây và phía Bắc, có độ cao trung bình 200 m (đỉnh Cột Cờ cao nhất 402 m), phần địa hình tương đối bằng phẳng chủ yếu theo hướng Đông Bắc, dọc theo hói Khe Cò. Các ngọn núi của Sơn Lễ gắn liền với các sự kiện lịch sử, như rú Binh - rú Treo Đèn liên quan đến tướng Cao Thắng (cũng có ý kiến cho rằng liên quan đến Hầu Tạo); rú Trại Cải (vào thế kỷ thứ XVIII, ở làng Hà Hoàng (Thạch Trung- Thạch Hà hiện nay) có Nguyễn Tiến Lâm tổ chức phục kích để diệt Nguyễn Nhạc nhưng bị thua, bèn chạy lên Hương Sơn, đóng quân tại Trại Cải. Nhà Tây Sơn phái quân lên đánh, Nguyễn Tiến Lâm bị giết, quân Tây Sơn phủ dụ dân chúng, tổ chức đắp đập tại vùng Phôốc Ghềnh ngày nay, đập có tên là đập Quang Trung; Rú Chuối (tên chữ là Tiên Sơn) có liên quan đến tiền đồn của tướng Nguyễn Tuấn Thiện trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh vào thế kỷ XV; rú Rôộc Cụ, nơi đây Cao Thắng nhận tiếp viện của nhân dân quanh vùng.
Về địa hình, xã Sơn Lễ nằm trong vùng trung du của huyện và có thể chia làm 2 loại địa hình như sau:
- Vùng bậc thang bào mòn: Loại địa hình, địa mạo này chiếm phần lớn diện tích xã bao gồm: Ruộng lúa, ruộng màu và vườn nhà ở dân cư. Cao độ vùng ruộng nước từ +3m00 đến 4m00; vùng ruộng màu, đường sá, vườn dân cư +2m50 đến hơn 3m50. Địa mạo vùng này chủ yếu dạng bào mòn.
- Vùng bồi tích trung du: Loại địa hình địa mạo này nằm ở phía Đông. Cao độ chỉ trên dưới +3m50. Số diện tích này tập trung chủ yếu nằm từ thôn Chùa, Thọ Lộc, thôn Trung Lễ, Tuệ Sơn, thường hay bị bồi lấp qua các đợt trong mùa mưa lũ.
- Đất sản xuất chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng tương đối cao lụt sản xuất được 2 vụ lúa và màu gồm 6 thôn: Từ Sơn Thủy, Nam Sơn, Khe Cò, Yên Đức, Bắc Sơn và Tây Sơn.
- Vùng còn lại có 5 thôn: Từ Cao Thắng, Chùa, Thọ Lộc, Trung Lễ, Tuệ Sơn thường chậm thời vụ sản xuất như sản xuất ngô đông và lúa hè thu khi thu hoạch.
Do đặc điểm địa hình, nhìn chung là đồi núi (trừ thôn Trung Lễ), lắm khe suối, ruộng bậc thang xen kẽ ao hồ, đất sản xuất nghèo dinh dưỡng, đất đai có nhiều loại: vùng bằng phẳng, có đất thịt nặng, vùng có độ cao vừa là đất pha cát; vùng đồi đang nằm trong quá trình feralit.
Sơn Lễ không có sông, chỉ có khe, suối là nơi dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bắt nguồn từ Ngàn Éo, khe Ngã Ba sâu và rộng chảy qua xã, đổ ra Hói Cầu là một dòng khe có tầm quan trọng đặc biệt, là nguồn nước thủy lợi chủ lực tưới tiêu cho ruộng lúa của xã.
Từ đầu thế kỷ XX, ở Sơn Lễ đã hình thành một đường trục lớn, cao vững vàng nối từ xóm Tưng đến xóm Khe để ngăn lũ từ rú Chuối đổ về, con đường này thường là nơi để người và gia súc tránh lụt. Hai bên đường có trồng cây Sắn, một loại thân gỗ (cao 10 m), quả chín đỏ ngọt, vì thế mới có có tên xóm Sắn. Xã có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua (5,6 km) nối từ cầu Khe Cò đến Truông Mung và hệ thông giao thông liên hoàn. Đường liên huyện, có 2 tuyến (9,6 km), đường trục xã (6,29 km) nối Sơn Lễ với các địa phương trong huyện và dẫn sang các xã Thanh Chương ở nghệ An.
Sơn Lễ không có con sông nào chảy qua, tài nguyên nước phục vụ tưới tiêu phụ thuộc vào hệ thống khe, suối, giếng tại các làng. Toàn xã có 11,35 ha diện tích ao, hồ phục vụ tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản; có 14 hồ đập, lớn, nhỏ (1 phần đập Khe Cò (xây vào thập niên 60 của thế kỷ trước), đập Nội Tranh, đập Toi, đập Mạ, đập Bầu Sắn, đập Nội Nậy ...).
Khe Cò: Khe Cò bắt nguồn từ vùng núi phía Đông dãy Bà Mụ, thuộc địa phận xã Sơn Tiến, Sơn Lễ, chảy qua hướng Đông Bắc qua làng Kẻ Đọng, tạo thành một cái hói lớn gọi là Hói Đọng, rồi chảy tiếp theo hướng Đông qua địa bàn xã Sơn Hòa, lại tiếp tục chảy hướng Đông Nam qua làng Vân Giang (nay thuộc một thôn của xã Sơn Thịnh), tạo thành một đoạn hói rộng, được gọi là hói Vân Giang rồi đổ vào sông Phố. Khe này còn tiếp nhận nguồn nước của một khe nhỏ vùng nam Thiên Nhẫn gọi là Khe Trạng ở xã Sơn Tiến.
Khí hậu
Địa bàn xã nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, ngoài ra Sơn Lễ còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc.
Hàng năm, Sơn Lễ có hai mùa rõ rệt:
- Mùa mưa: Mưa trung bình hằng năm từ 2500 mm đến 2650 mm. Hạ tuần tháng 8, tháng 9 và trung tuần tháng 11 lượng mưa chiếm 54 % tổng lượng mưa cả năm.
- Mùa khô: Từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau. Đây là mùa nắng gắt, có gió Tây Nam (thổi từ Lào) khô, nóng, lượng bốc hơi lớn.
Đất đai
Diện tích tự nhiên của xã là 2.935,97 ha, gồm: Đất nông nghiệp 2.640,61 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa 637,72 ha, đất chuyên trồng màu 242,51, đất lâm nghiệp 1.601,75 ha (trong đó 603,62 ha rừng sản xuất và 998,13 ha đất rừng phòng hộ), đất trồng cây lâu năm 327,3 ha; đất khác: 295,36 ha (gồm đất xây dựng các công trình công cộng, đất dân cư, đất giành cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đất chưa sử dụng vv...).
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên, khí hậu xã Sơn Lễ có nét tương đồng với các xã thuộc huyện Hương Sơn, đã được ghi lại trong sách Đồng Khánh địa dư chí: gần miền sơn cước, khí hậu khô hanh, bốn mùa phần nhiều đều có khí lam chướng. Ruộng đất nhiều sỏi đá mà ít chất màu, đó cũng là do khí đất gây nên như thế. Sau tháng ba, gió nam thổi mạnh, trời nóng như hun, đôi khi có mưa nhỏ nhưng chỉ chốc lát là tạnh. Mỗi khi gió đến, rừng kêu ù ù, nghe như vạn tiếng sấm, có đợt kéo dài đến 3-4 ngày hoặc 7-8 ngày mới dứt. Khoảng tháng tám, tháng chín trời thường âm u rồi gió đông bắc thổi tới. Gió đến mưa tạnh, gió tạnh mưa đến, cứ thay nhau như thế suốt ngày. Cày cấy một năm hai vụ: tháng mười một, mùa hè tháng tư năm sau lúa chín. Tháng sáu cấy, mùa đông tháng mười lúa chín. Đại khái cũng giống như các nơi khác trong phủ.
2. Dân cư và truyền thống lịch sử, văn hoá
Toàn xã có 1306 hộ, với 5091 nhân khẩu phân bố trên 11 thôn, thôn ít nhất là thôn Tuệ Sơn có tổng 59 hộ, thôn nhiều nhất là thôn Thọ Lộc có 177 hộ.
* Đời sống kinh tế:
Nông nghiệp: Như bao xã thuộc huyện Hương Sơn, đất đai Sơn Lễ thường hẹp và kém màu mỡ. Người dân từ lâu có đời có thói quen quảng canh, kỹ thuật canh tác lạc hậu, hệ thống thủy lợi thiếu và yếu, phân bón cũng chưa đầy đủ... Chỉ mới khoảng ba chục năm lại đây mới có sự chú ý đổi mới thâm canh trong sản xuất. Vùng đất Sơn Lễ cũng là vùng thường xuyên phải ứng phó với thiên tai nhất là lũ, lụt, hạn hán..., rồi chiến tranh phá hoại... Trước đây hầu như không mấy năm tránh khỏi mất mùa. Một năm hai vụ lúa thì "Tháng năm năm tật, tháng mười mười tật", làm quần quật quanh năm mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Sử sách đời Lê, đời Nguyễn còn chép những trận đói ở xứ Nghệ trong đó có nhân dân nhiều xã thuộc Hương Sơn: "Người chết đói đầy đường", "đổi một mẫu ruộng chỉ được mấy bát gạo", ..."người ta phải ăn cả lá cây, rễ cây, thịt chuột".... "Người ăn xin kéo từng đàn, từng lũ, nhiều thôn xóm bị phiêu tán"...
Trước Cách mạng Tháng Tám, năng suất các loại cây trồng ở Sơn Lễ vẫn rất thấp. Năng suất lúa bấy giờ cũng chỉ đạt từ 350 đến 400 kg/ha. Ngay cả những năm được mùa nhất như năm 1939 cũng chỉ đạt năng suất bình quân không quá 600 kg/ha. Cuộc sống của người nông dân còn phải dựa vào rừng, phải bươn chải đủ thứ mới mong đắp đổi được, dù ở đó đất đai không thiếu thì người ta vẫn cứ phải khuyên nhau chọn nơi thuận lợi để dựa vào thiên nhiên mà sống.
Kinh tế vườn và cây ăn quả
Vùng đất Sơn Lễ cũng nổi tiếng với các loại cây ăn quả, nhất là các loại cây như mít, bưởi, cam chuối, quýt (tắt), chanh, cau, trầu, chè xanh, trám đen...
Kinh tế vườn đem lại cho nhân dân Sơn Lễ nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, năng suất của các loại cây ăn quả đến nay lại giảm đi đáng kể (ở hầu hết các loại cây ăn quả). Diện tích trồng cây ăn quả cũng không lớn, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế thấp; đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu do trồng tự phát; cây giống chưa được quan tâm chọn lọc đầy đủ nên chất lượng, mẫu mã chưa cao.
Cây mít cũng là một loại cây ăn quả có mặt rất sớm trong vườn cây của người dân Sơn Lễ và có giá trị kinh tế cao. Mít cũng có nhiều loại mít: mít mật, mít giai, mít nhạn... Mít giai là loại được ưa chuộng nhất. Cây mít là loại cây dễ trồng, ít phải chăm bón. Ngoài mít chín cho múi ăn rất ngọt thì mít non còn có thể làm nộm, nhút. Những ngày mùa màng nông vụ bộn bề hoặc những mùa mưa dầm gió bấc thì nhút mít cũng là một loại thức ăn dự trữ rất quý cho mỗi gia đình. Lá mít còn có thể làm thức ăn cho hươu, tán mít cho bóng râm và thân mít cho gỗ. Trái mít non còn rất nhỏ cỡ ngón tay cái gọi là dái mít. Dái mít có vị chát thơm nhẹ được dùng trộn làm gỏi hay làm thức ăn chay. Gỗ mít cũng là loại gỗ được chuộng để tạc tượng thờ trong các đền chùa vì thớ gỗ mịn, dễ khắc nhưng nặng và chắc. Ngoài ra, gỗ mít còn được dùng làm nhà, làm đồ gia dụng vừa bền, vừa đẹp. Hiện nay, mít vẫn được xếp vào loại gỗ quý hiếm, nhất là phần lõi (ròng). Cây mít muốn có phần lõi lớn dùng được phải trưởng thành hàng mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có phần lõi đẹp dùng được.
Các cây ăn quả khác như chuối, na, ổi, vải, nhãn… cũng được trồng trên địa bàn xã Sơn Lễ. Trong đó, phải kể đến chuối, một loại cây rất dễ trồng, gần như nhà nào trong xã cũng có. Nhà ít nhất cũng dăm ba bụi chuối, nhà nhiều có đến hàng trăm bụi chuối. Trên mảnh đất của xã cũng trồng nhiều loại chuối: chuối và (chuối tiêu), chuối cau, chuối mật, chuối sứ, chuối voi… Chuối cho quả ngọt, lá dùng để gói các loại bánh, thân chuối làm thức ăn cho lợn, củ chuối non có thể làm nộm, làm nhút.
Tóm lại, Sơn Lễ là một vùng quê có nhiều loại cây ăn quả quý, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quy hoạch chiến lược về cây ăn quả, do đó cũng chưa có các công trình nghiên cứu khoa học để phát triển mạnh mẽ cây ăn quả trên đất này.
Chăn nuôi
Là một xã có đất vườn rộng cho nên nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá sớm ở Sơn Lễ. Có thể nói, cư dân khi di cư đến đất Sơn Lễ ngày nay đã sớm biết chăn nuôi (đồng thời dựa vào rừng và khai hoang đất trồng trọt), để tổ chức cuộc sống. Hầu hết các hộ nông dân đều có đàn gia cầm, chủ yếu là gà, các hộ kinh tế trung bình trở lên đều có vài ba con trâu bò.
Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của huyện Hương Sơn, xã Sơn Lễ đã tích cực triển khai một số dự án về chăn nuôi như dự án cải tạo và nâng cao chất lượng giống đàn bò thịt, dự án cải tạo và chăn nuôi lợn hướng nạc, xây dựng hệ thống thú y cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm, nhiều giống gia súc, gia cầm mới được đưa vào chăn nuôi, tăng nhanh khối lượng thực phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.
Theo thống kê năm 2015 của xã, toàn xã có 2416 con trâu bò, lợn 1755 con lợn, dê 892 con, hươu 596 con (trong đó có 8 hộ nuôi 10 con mỗi hộ), hơn 50.000 con gia cầm. Thu nhập từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng 59% trong thu nhập từ nông nghiệp.
Nghề chăn nuôi hươu ở xã Sơn Lễ cũng khá phát triển, có nhiều hộ gia đình nuôi 10 - 15 con hươu. Với giá trị là vị thuốc tốt bổ dưỡng cho sức khỏe, thích hợp cho cả người già và trẻ em, có giá trị kinh tế cao, hàng năm nhung hươu đã đem lại thêm một khoản thu nhập không nhỏ cho người dân trong xã.
Với ưu thế đất đai rộng, thích hợp việc chăn nuôi gia súc, xã Sơn Lễ đã có dự án trang trại bò sữa được triển khai và xây dựng. Ngày 8-7-2013, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (VINAMILK) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp chăn nuôi, chế biến thức ăn bò sữa tại xã Sơn Lễ. Đây là cụm công nghiệp có quy mô lớn với hơn 628.680 m2, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng trở thành điểm nhấn ấn tượng, không chỉ của xã Sơn Lễ mà còn của cả huyện Hương Sơn. Bò lấy sữa được nuôi trong môi trường công nghệ cao; Quy trình tiên tiến trong lấy sữa và bảo quản nhằm giữ cho sữa tươi lâu, chất lượng cao. Cụm công nghiệp này hoàn thành là điều kiện để một số lao động nhàn rỗi trong vùng cùng tham gia trồng cỏ và chế biến thức ăn cho bò sữa.
Tiểu thủ công nghiệp
Là vùng quê bán sơn địa, nên phần lớn các nghề thủ công xã Sơn Lễ ra đời và phát triển dựa nhờ vào nguồn nguyên liệu tự nhiên: gỗ, tre, nứa, giang mây...
Tuy nhiên, sản phẩm thủ công nghiệp của xã mới chỉ đáp ứng nhu cầu thông thường của người dân địa phương, chưa có sự gia tăng “bứt phá” vào các sản phẩm cao cấp có giá trị kinh tế lớn để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, hoặc phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu để tạo ra sự chuyển đổi tích cực về cơ cấu kinh tế của xã.
* Đời sống văn hoá xã hội:
Người dân Sơn Lễ lấy nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính. Từ các cụm dân cư dần hình thành cố kết lại với nhau thông qua quá trình khai phá đất đai và xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi tạo nên làng, xóm. Ngoài không gian cư trú, làng có không gian trồng trọt canh tác bao quanh. Quá trình cải tạo đồng ruộng là một quá trình lâu dài nên làng mang tính ổn định rất cao.
Vấn đề ruộng đất từ xa xưa trong lịch sử đã là nền tảng tạo nên cơ cấu tổ chức của làng. Nó là cơ sở phản ánh mối quan hệ giữa các giai tầng trong xã hội, cũng là cơ sở phân biệt thứ bậc của con người xung quanh vấn đề sở hữu. Theo đó những người có sở hữu lớn hơn về ruộng đất sẽ có vai trò quan trọng trong đời sống của dân làng. Cũng giống như các làng Việt cổ khác, cư dân thuộc xã Sơn Lễ có hệ thống tổ chức nhiều chiều đan xen nhau.
Tục ăn trầu, uống nước chè xanh
Ăn trầu vốn là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Tương truyền đã có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau. Câu chuyện cảm động về tình anh em, vợ chồng. Từ đó, trở thành tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam. Nhân dân ta thường có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trong cuộc sống thường ngày hoặc trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, đám cưới, đám ma đều có đĩa trầu. Đĩa trầu không chỉ thể hiện tình cảm, tính cộng đồng mà còn là một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Ăn trầu còn là để làm đẹp “đỏ môi mình, môi ta” và tạo “răng hạt na” là những chuẩn mực về cái đẹp của người con gái trước đây.
Người dân Việt vốn hiếu khách, mỗi khi đến chơi nhà, chủ nhà thường rót nước chè ra mời. Chén nước, miếng trầu, điếu thuốc là những thức đãi khách không thể thiếu. Tuy sang hèn khác nhau nhưng kiểu cách gần giống nhau. Vùng nào cũng vậy, duy chỉ ở Nghệ Tĩnh nói chung và Sơn Lễ nói riêng có tục mời nhau uống nước chè xanh là có nét riêng biệt. Hễ người dân có ấm chè xanh mới nấu là thể nào cũng mời nhau cùng uống. Nó thành nếp của các nhà trong làng với nhau. Chủ nhà (thường là các bà) nấu xong, ra đứng dưới gốc khế, bụi chuối kêu vọi sang hàng xóm liền kề. Cũng có khi sai thằng nhỏ đi mời. Cu cậu nhảy chân sáo chưa vào nhà đã liến thoắng như rao: Cha nói mời sang uống nác mới ! Chè xanh được rửa sạch, bỏ vào ấm nấu với nước mưa hoặc nước giếng khơi sẽ có màu xanh đặc trưng. Uống chè xanh hàng ngày có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Một chén trà mỗi sáng có thể hạn chế sự phát triển của căn bệnh ung thư, giúp điều trị căn bệnh tim mạch, giúp lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh tật.
3. Các thiết chế văn hoá tín ngưỡng ở Sơn Lễ
Phong tục:
Sách sử xưa chép về phong tục vùng đất này: “Đất xấu dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành; không mê đạo Phật (không có chùa lớn, không làm chay, làm điếu linh đình), chỉ thờ thánh Khổng, rất kính cẩn việc thờ thần (tục ngữ nói: Thanh thế Nghệ thần). Phong tục thượng du thì quê mùa, ở nhà sàn, mặc cả tấm vải, nhà nào cũng thờ ma, không ai dám phạm”[4].
Tục thờ tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên trong gia đình, gia tộc là một hình thức biểu thị lòng biết ơn đối với tiền nhân, trở thành phong tục tốt đẹp, có tác dụng giáo dục sâu sắc, mặt khác cũng biểu thị tâm lý, niềm tin thiêng liêng ở sự trường cửu của con người, của dòng họ. Người Việt Nam ta quan niệm ông bà cha mẹ sau khi chết, linh hồn vẫn ở bên con cháu để phù hộ, chở che và cũng để trừng phạt nếu con cháu làm điều sai trái. Thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ trước hết là biểu hiện tấm lòng hiếu thảo cũng như nuôi dưỡng các vị khi còn sống, sau là mong được Tổ tiên phù hộ cho con cháu được an khang, làm ăn tấn tới. Thông qua nghi lễ thờ cúng, con cháu gửi gắm tình cảm nhớ công ơn tài bồi, gây dựng của Tổ tiên, ông bà, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ “Uống nước nhớ nguồn”, thành “đạo hiếu”. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi người. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Cùng với sự thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Từ lòng nhân ái, tính cộng đồng được xây dựng, củng cố cũng là những giá trị đạo đức đáng trân trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi người.
Niềm tin vào đạo lý, vào sự bất tử của Tổ tiên từ lâu đời đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt, trở thành thiêng liêng, thành Tín ngưỡng, thành Đạo, như một số người châu Âu gọi đó là “Tôn giáo của Việt Nam”.
Cũng như mọi vùng miền khác của quê hương, ở xã Sơn Lễ nhà cửa trưởng nào cũng có bàn thờ ông bà, cha mẹ. Nhà cửa thứ thường không lập bàn thờ, trừ khi khuyết cửa trưởng hoặc người cửa trưởng đi xa lâu, hoặc được giao thờ một bà mẹ kế, một ông chú, bà cô nào đó mà "tuổi" mình cần phải thờ, hoặc chồng hay vợ chết trước, mới lập bàn thờ, làm giỗ riêng, còn giỗ tết đều phải cúng ở nhà cửa trưởng.
Bàn thờ thường ở gian ngoài hay gian giữa (gian bảy), tùy gia cảnh mà bố trí. Có khi chỉ là một giàn tre, phạc nứa treo sát vách hoặc một án thư mộc đơn sơ, trên chỉ để mâm chè, bình hương, ống hoa… Có khi là bàn thờ gỗ trước có hương án chạm trổ, trên đặt linh tọa sơn thiếp lộng lẫy và tự khí bằng gỗ sơn, bằng sứ, bằng đồng… Nhưng với nhà nào, bàn thờ tổ tiên cũng là nơi tôn nghiêm nhất trong nhà.
Hàng năm, vào dịp lễ tết, người ta bày biện bàn thờ, làm mâm cỗ, sắm hương đèn… cúng Tổ tiên, ông bà. Các ngày lễ quan trọng nhất là Tết Nguyên đán, Tết Trung nguyên và ngày giỗ các tiên linh (đều theo lịch âm).
Các họ đều có nhà thờ tổ, họ lớn thì ngoài nhà thờ đại tôn, còn có các nhà thờ tiểu tôn. Họ ít người, chưa có nhà thờ thì thờ Tổ tiên ở nhà tộc trưởng. Ngoài giổ tết và ngày kỵ các vị Tiên tổ, con cháu đến thắp hương ở nhà thờ, thì quan trọng nhất, mỗi năm hai lần, vào lễ Thượng nguyên và Trung nguyên (Đêm 14 sáng rằm tháng giêng, tháng bảy âm lịch) các họ đều tế Tổ ở nhà thờ. Đây là dịp con cháu tề tịu đông đủ để lễ tổ và bàn việc họ.
Tục thờ Thành hoàng: Ngoài thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam thì ở Sơn Lễ còn có tục thờ Thành hoàng làng. Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Thần Thành hoàng dù có hay không có họ tên, lai lịch; và dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ thể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.
Thành hoàng có sức toả sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất nề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thành hoàng để xin phép trước. Dường như sự ngưỡng mộ thành hoàng của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng thường được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền. Lễ hội, nhất là lễ hội thờ Thành hoàng làng thực chất là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hoá giữa các làng xóm với nhau, là nét văn hoá đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá làng, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể - thờ Thành hoàng làng trong tâm thức dân gian, tâm thức truyền thống của người dân.
Ở Tuần Lễ xưa, có đền Thọ Lộc, thờ thần Cao Sơn đại vương là Thành hoàng của làng[5].
Các di tích lịch sử văn hóa
Sơn Lễ có nhiều công trình tín ngưỡng văn hoá được xây dựng từ cổ xưa như đền, chùa, đình, miếu. Tuy sau cuộc cách mạng văn hóa, nhiều di tích lịch sử bị phá hủy, song trong tâm thức của người dân Sơn Lễ, những công trình văn hóa như đền Thọ Lộc vẫn còn ghi nhiều dấu ấn đậm nét.
Sơn Lễ tuy là một xã nghèo nhưng người dân rất tự hào về truyền thống văn hóa, trên địa bàn xã có 2 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia: Đó là Nhà thờ Lê Hữu Tạo và Nhà thờ Cao Thắng.
Nhà thờ, mộ Lê Hầu Tạo: Mộ và nhà thờ Lê Hữu Tạo (1791-1821) tại sườn núi Mộc Bài, thôn Thọ Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn. Sau khi bị chính quyền nhà Nguyễn giết hại, thi hài ông được đưa về quê an táng, mộ tròn có đường kính 3m, vẫn được chăm sóc chu đáo[6]. Theo gia phả thì ngay sau khi mất, họ hàng đã làm nhà thờ tạm để thờ ông và dòng họ.
Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái (1907), họ Lê mới cho xây dựng nhà thờ như quy cách hiện nay, gồm 3 gian hai hồi bằng gỗ mít lợp ngói mũi hài. Điều khác biệt của nhà thờ họ Lê so với các nhà thờ các dòng họ khác trong xã Sơn Lễ là kiến trúc ngôi nhà được xây dựng để làm nơi thờ cúng. Điều này được thể hiện bằng dòng Hán tự chạm khắc chân phương tại ngay cửa nhà nhờ. Đó là 4 chữ 黎 氏 祠 堂 - Lê Thị Từ Đường (Nhà thờ họ Lê). Năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại (1941), nhà thờ đã trùng tu lại. Song trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ đã bị máy bay Mỹ đã phá hoại nặng nề và chỉ còn lại nhà chính và một mái hiên. Sau chiến tranh, nhà thờ đã được tu sửa hoàn chỉnh như hiện nay.
Nhà thờ còn lưu lại bức đại tự gồm 3 chữ 洋 洋 如 – Dương Dương Như. Câu này trích trong sách Trung Dung: 洋 洋 乎, 如 在 其 上, 如 在 其 左 右 (Dương dương hồ, như tại kì thượng, như tại kỳ tả hữu), nghĩa là: trai giới tinh khiết, ăn mặc nghiêm trang để tế lễ, rực rỡ như ở trên đầu, như ở bên trái bên phải khắp nơi.
Nhà thờ, mộ Lê Hầu tạo được Nhà nước công nhận là di tích danh nhân lịch sử, niên đại thế kỷ XVI, được xếp hạng theo Quyết định số 188 QĐ/BT, vào ngày 13/2/1995.
Nhà thờ Cao Thắng
Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng dựng trên một ngọn đồi ở xóm Lộc Giang, Hàm Lại (nay là thôn Cao Thắng), xã Sơn Lễ.
Thật ra, đây không phải là nhà thờ riêng Cao Thắng mà là nhà thờ họ Cao Sơn Lễ. Theo gia phả, chi họ Cao này gốc từ họ Cao Diễn Châu, Nghệ An. Ông Cao Như Cương (đời thứ 11) di cư vào xã Đỗ Xá, Hương Sơn. Đầu thế kỷ XX, một phần đất Đỗ Xá, nơi họ Cao ở tách ra thành xã Thuần Mỹ, nay là xã Sơn Mỹ. Người con thứ tư của Cao Như Cương dời đến xã Phúc Dương, đến đời Cao Như Niên – con thứ tư của Hiệu sinh Cao Quỳ - mới dời sang xóm Nhà Nàng, sau là thôn Yên Đức.
Cao Thắng (1864-1893) là nhà tổ chức, chỉ huy quân sự tài năng, cánh tay phải của Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo phong trào cần vương chống Pháp ở Thanh Nghệ Tĩnh Bình cuối thế kỷ XIX. Nhà thờ họ Cao, nơi thờ Chưởng vệ Cao Thắng, không cao to, không chạm trổ, nhưng tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là làng xóm trù phú, đường làng uốn lượn quanh các triền núi, tạo nên vẻ hoành tráng cho di tích.
Ngoài cửa nhà thờ bức đại tự khắc gỗ gồm chữ: 祭 如 在 - Tế Như Tại (Dịch nghĩa: Cúng giỗ tổ tiên như thấy tổ tiên đang hiện diện, cũng tế thần như thấy thần đang hiện diện).
Bên ngoài là 2 cặp câu đối:
爲 地 億 年 培 氣 脉
禮 庭 萬 代 有 依 冠
Phiên âm: Vi địa ức niên bồi khí mạch
Lễ đình vạn đại hữu y quan
Dịch nghĩa: Vì đất muôn năm bồi dưỡng khí mạch
Lễ nghĩa trong nhà muôn thuở có áo mũ người làm quan
và:
福 地 遠 引 咸 山 垓
德 澤 長 流 賴 始 深
Phiên âm: Phúc địa viễn dẫn hàm sơn cai
Đức trạch trường lưu lại thủy thâm
Dịch nghĩa: Đất phúc dẫn mãi từ xưa đến còn chứa như núi cao
Đức trạch cha ông lưu chảy mãi như dựa vào nước sâu
Trong ngôi nhà ba gian, chính giữa là bàn thờ vị Tiên tổ, Hiệu sinh Cao Quỳ. Gian bên phải thờ các vị Tiên linh họ Cao theo thứ bậc...
Bàn thờ Cao Thắng đặt ở gian bên trái nổi bật là bức tượng bán thân dáng uy nghiêm.
Sau khi nhà thờ được công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, Nhà nước đã đầu tư tu sửa, tôn tạo ngôi nhà đẹp đẽ hơn: lát sân gạch, đặt bồn hoa cây cảnh, xây cổng ngoài và tường bao xung quanh.
Con cháu họ Cao cũng mua lại ngôi hạ đường đền Thọ Lộc xã Sơn Lễ (phá dỡ hồi hợp tự) đưa về dựng phía trước nhà thờ, làm nhà khách. Ngôi nhà này bằng gỗ thiết mộc, cao rộng hơn, được chạm trổ tinh xảo, nhưng nền đặt ở bậc thấp theo mái đồi, càng tôn thêm ngôi Thượng đường, tạo nên vẻ hoành tráng, cổ kính của khu Di tích. Trong tương lai không xa, sẽ có con đường xây giật cấp từ chân đồi lên cổng nhà thờ.
Nhà thờ Cao Thắng được Nhà nước công nhận di tích danh nhân lịch sử văn hóa theo Quyết định số 95 QĐ/BVHTT ngày 24/1/1998. Đến chiêm ngưỡng Di tích lịch sử - Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng cũng là đến với một trong những vùng quê tươi đẹp, in đậm dấu vết lịch sử...
Ngoài ra, còn phải kể đến các di tích tiêu biểu:
Đền Thọ Lộc: Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII được tu sửa và đến thế kỷ XX được sắc phong: Thượng Thượng đẳng tôn thần, thờ thần Cao Sơn. Năm 1966, chùa bị phá bỏ.
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tại chợ Gôi có một ngôi đình lớn là nơi tế thần của cả tổng An Ấp. Hàng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, các vị thần bao gồm cả thiên thần và nhân thần được thờ trong các đền miếu của các làng trong tổng An Ấp, gồm cả 6 xã hiện nay, được các chức sắc cùng nhân dân các làng với mũ áo tề chỉnh, long trọng kiệu rước bằng cả đường thuỷ trên sông Ngạn Phố và bằng đường bộ về đình chợ Gôi để tổ chức tế lễ. Hàng chục vị thần được thờ phụng ở các đền miếu và các nhà thờ họ Tống, họ Trần v.v. ở làng Văn Giang, đền Bạch Vân, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn Xuân v.v. ở làng Thịnh Xá, đền Gôi Mỹ, nhà Thánh, nhà thờ họ Đinh Nho, họ Nguyễn Khắc v.v. ở làng Gôi Mỹ, đền Bình Hoà, đền Xuân Lưu, nhà thờ họ Tống, họ Hà, họ Phan v.v. ở làng Bình Hoà, đền Xuân Trì, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn ở Kẻ E, đền Yên Bài ở làng Yên Bài, đền Kim Qui thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở làng Ninh Xá, đền Thọ Lộc ở làng Thọ Lộc v.v. đều được rước về đình Gôi Vị.
Ngoài ra, các di tích lịch sử văn hóa trước đây tại địa phương còn có:
- Đền Rái, thuộc làng Hàm Lại. Chùa bị phá dỡ khoảng năm 1960.
- Đền Nông, thuộc làng Thọ Lộc.
- Miếu thờ: Ở Hàm Lại thờ Thành hoàng ở thôn Chùa.
Ngoài ra, ngày trước mỗi làng cổ đều được dân làng lập một nền tế (chính là đàn xã tắc để tế trời đất), để cầu mong mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.
Truyền thống giáo dục, khoa cử
Sơn Lễ, từ xưa tuy không có nhiều người đỗ đạt cao, nhưng là vùng đất hiếu học. Đời Lê Hy Tông có Sinh đồ Nguyễn Đình Nghi, đời Nguyễn có các cử nhân:
Phan Khắc Kiệm, người xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, đỗ ân khoa năm Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ 2 (1842).
Nguyễn Văn Khoán (làm Huấn đạo Can Lộc – được phong Hàn Lâm viện thị độc),
Nguyễn Văn Xán (Điển pháp học chánh nha - tỉnh Bình Thuận, được phong Quang lộc tự thiếu khanh),
Phạm Lê Cung (làm Hậu bổ Bình Định), Nguyễn Văn Chúc (Tri phủ - được phong Hồng lô tự khanh),
Nguyễn Đình Quế, người xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn. Ông đỗ khoa thi năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855);
Tú tài, có: Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Quang Duật, Nguyễn Quang Mại, Nguyễn Quang Hoài, Nguyễn Đình Hiển (những cử nhân, tú tài phần lớn là người xóm Sắn); thời thuộc Pháp toàn xã có 12 đậu Pờ-ri me, 6 người đậu Đíp–lôm (Thành chung); Ông Nguyễn Văn Hoàng (1915- 1955) có bằng Cao đẳng sư phạm, ông Nguyễn Quang Lưu có bằng kỹ sư Canh nông (mất ở Pháp), đậu cử nhân có ông Nguyễn Văn Tài, cử nhân toán. Ông được phong hàm Đại tá, nguyên Viện trưởng Viện Quân giới (Bộ Quốc phòng) - là người cùng với Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa xây dựng ngành quân giới Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, việc học hành được quan tâm, các lớp bình dân học vụ vào ban đêm mở khắp các thôn xóm, người người đua nhau đi học. Năm 1965 các trường cấp I, cấp II xã Sơn Lễ được thành lập. Đến nay, Sơn Lễ có đủ các cấp học hoàn chỉnh, có trường lớp khang trang kiên cố. Hàng năm có hơn 700 em đi học từ Mẫu giáo đến trung học cơ sở. Hiện nay, Sơn Lễ có 11 người có học hàm, học vị: cố Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Lựu, nguyên Giám đốc Học viện quân sự, ông Lê Xuân Đồng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Giáo sư Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài Nhân (Trường ĐH Ngoại ngữ), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Đình Lê-Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Hiện đại- Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội), Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Hữu Tài (nguyên Phó Tổng GĐ Tổng công ty chè Việt Nam- Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam), Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Quang Cung, TS Nguyễn Quang Duệ (Kinh tế), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu (quân sự) và 250 người đang theo học ở các trường đại học.