Lịch sử - Văn hóa

Người dân Sơn Lễ lấy nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính. Từ các cụm dân cư dần hình thành cố kết lại với nhau thông qua quá trình khai phá đất đai và xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi tạo nên làng, xóm. Ngoài không gian cư trú, làng có không gian trồng trọt canh tác bao quanh. Quá trình cải tạo đồng ruộng là một quá trình lâu dài nên làng mang tính ổn định rất cao.

Vấn đề ruộng đất từ xa xưa trong lịch sử đã là nền tảng tạo nên cơ cấu tổ chức của làng. Nó là cơ sở phản ánh mối quan hệ giữa các giai tầng trong xã hội, cũng là cơ sở phân biệt thứ bậc của con người xung quanh vấn đề sở hữu. Theo đó những người có sở hữu lớn hơn về ruộng đất sẽ có vai trò quan trọng trong đời sống của dân làng. Cũng giống như các làng Việt cổ khác, cư dân thuộc xã Sơn Lễ có hệ thống tổ chức nhiều chiều đan xen nhau.

Tục ăn trầu, uống nước chè xanh

Ăn trầu vốn là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Tương truyền  đã có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau. Câu chuyện cảm động về tình anh em, vợ chồng. Từ đó, trở thành tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam. Nhân dân ta thường có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trong cuộc sống thường ngày hoặc trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, đám cưới, đám ma đều có đĩa trầu. Đĩa trầu không chỉ thể hiện tình cảm, tính cộng đồng mà còn là một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Ăn trầu còn là để làm đẹp “đỏ môi mình, môi ta” và tạo “răng hạt na” là những chuẩn mực về cái đẹp của người con gái trước đây.

Người dân Việt vốn hiếu khách, mỗi khi đến chơi nhà, chủ nhà thường rót nước chè ra mời. Chén nước, miếng trầu, điếu thuốc là những thức đãi khách không thể thiếu. Tuy sang hèn khác nhau nhưng kiểu cách gần giống nhau. Vùng nào cũng vậy, duy chỉ ở Nghệ Tĩnh nói chung và Sơn Lễ nói riêng có tục mời nhau uống nước chè xanh là có nét riêng biệt. Hễ người dân có ấm chè xanh mới nấu là thể nào cũng mời nhau cùng uống. Nó thành nếp của các nhà trong làng với nhau. Chủ nhà (thường là các bà) nấu xong, ra đứng dưới gốc khế, bụi chuối kêu vọi sang hàng xóm liền kề. Cũng có khi sai thằng nhỏ đi mời. Cu cậu nhảy chân sáo chưa vào nhà đã liến thoắng như rao: Cha nói mời sang uống nác mới !  Chè xanh được rửa sạch, bỏ vào ấm nấu với nước mưa hoặc nước giếng khơi sẽ có màu xanh đặc trưng. Uống chè xanh hàng ngày có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Một chén trà mỗi sáng có thể hạn chế sự phát triển của căn bệnh ung thư, giúp điều trị căn bệnh tim mạch, giúp lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh tật.

3. Các thiết chế văn hoá tín ngưỡng ở Sơn Lễ

Phong tục:

Sách sử xưa chép về phong tục vùng đất này: “Đất xấu dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành; không mê đạo Phật (không có chùa lớn, không làm chay, làm điếu linh đình), chỉ thờ thánh Khổng, rất kính cẩn việc thờ thần (tục ngữ nói: Thanh thế Nghệ thần). Phong tục thượng du thì quê mùa, ở nhà sàn, mặc cả tấm vải, nhà nào cũng thờ ma, không ai dám phạm”[1].

Tục thờ tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình, gia tộc là một hình thức biểu thị lòng biết ơn đối với tiền nhân, trở thành phong tục tốt đẹp, có tác dụng giáo dục sâu sắc, mặt khác cũng biểu thị tâm lý, niềm tin thiêng liêng ở sự trường cửu của con người, của dòng họ. Người Việt Nam ta quan niệm ông bà cha mẹ sau khi chết, linh hồn vẫn ở bên con cháu để phù hộ, chở che và cũng để trừng phạt nếu con cháu làm điều sai trái. Thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ trước hết là biểu hiện tấm lòng hiếu thảo cũng như nuôi dưỡng các vị khi còn sống, sau là mong được Tổ tiên phù hộ cho con cháu được an khang, làm ăn tấn tới. Thông qua nghi lễ thờ cúng, con cháu gửi gắm tình cảm nhớ công ơn tài bồi, gây dựng của Tổ tiên, ông bà, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ “Uống nước nhớ nguồn”, thành “đạo hiếu”. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi người. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Cùng với sự thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Từ lòng nhân ái, tính cộng đồng được xây dựng, củng cố cũng là những giá trị đạo đức đáng trân trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi người.

Niềm tin vào đạo lý, vào sự bất tử của Tổ tiên từ lâu đời đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt, trở thành thiêng liêng, thành Tín ngưỡng, thành Đạo, như một số người châu Âu gọi đó là “Tôn giáo của Việt Nam”.

Cũng như mọi vùng miền khác của quê hương, ở xã Sơn Lễ nhà cửa trưởng nào cũng có bàn thờ ông bà, cha mẹ. Nhà cửa thứ thường không lập bàn thờ, trừ khi khuyết cửa trưởng hoặc người cửa trưởng đi xa lâu, hoặc được giao thờ một bà mẹ kế, một ông chú, bà cô nào đó mà "tuổi" mình cần phải thờ, hoặc chồng hay vợ chết trước, mới lập bàn thờ, làm giỗ riêng, còn giỗ tết đều phải cúng ở nhà cửa trưởng.

Bàn thờ thường ở gian ngoài hay gian giữa (gian bảy), tùy gia cảnh mà bố trí. Có khi chỉ là một giàn tre, phạc nứa treo sát vách hoặc một án thư mộc đơn sơ, trên chỉ để mâm chè, bình hương, ống hoa… Có khi là bàn thờ gỗ trước có hương án chạm trổ, trên đặt linh tọa sơn thiếp lộng lẫy và tự khí bằng gỗ sơn, bằng sứ, bằng đồng… Nhưng với nhà nào, bàn thờ tổ tiên cũng là nơi tôn nghiêm nhất trong nhà.

Hàng năm, vào dịp lễ tết, người ta bày biện bàn thờ, làm mâm cỗ, sắm hương đèn… cúng Tổ tiên, ông bà. Các ngày lễ quan trọng nhất là Tết Nguyên đán, Tết Trung nguyên và ngày giỗ các tiên linh (đều theo lịch âm).

Các họ đều có nhà thờ tổ, họ lớn thì ngoài nhà thờ đại tôn, còn có các nhà thờ tiểu tôn. Họ ít người, chưa có nhà thờ thì thờ Tổ tiên ở nhà tộc trưởng. Ngoài giổ tết và ngày kỵ các vị Tiên tổ, con cháu đến thắp hương ở nhà thờ, thì quan trọng nhất, mỗi năm hai lần, vào lễ Thượng nguyên và Trung nguyên (Đêm 14 sáng rằm tháng giêng, tháng bảy âm lịch) các họ đều tế Tổ ở nhà thờ. Đây là dịp con cháu tề tịu đông đủ để lễ tổ và bàn việc họ.

Tục thờ Thành hoàng: Ngoài thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam thì ở Sơn Lễ còn có tục thờ Thành hoàng làng. Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Thần Thành hoàng dù có hay không có họ tên, lai lịch; và dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ thể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.

Thành hoàng có sức toả sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất nề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thành hoàng để xin phép trước. Dường như sự ngưỡng mộ thành hoàng của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng thường được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền. Lễ hội, nhất là lễ hội thờ Thành hoàng làng thực chất là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hoá giữa các làng xóm với nhau, là nét văn hoá đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá làng, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể - thờ Thành hoàng làng trong tâm thức dân gian, tâm thức truyền thống của người dân.

Ở Tuần Lễ xưa, có đền Thọ Lộc, thờ thần Cao Sơn đại vương là Thành hoàng của làng[2].

Các di tích lịch sử văn hóa

Sơn Lễ có nhiều công trình tín ngưỡng văn hoá được xây dựng từ cổ xưa như đền, chùa, đình, miếu. Tuy sau cuộc cách mạng văn hóa, nhiều di tích lịch sử bị phá hủy, song trong tâm thức của người dân Sơn Lễ, những công trình văn hóa như đền Thọ Lộc vẫn còn ghi nhiều dấu ấn đậm nét.

Sơn Lễ tuy là một xã nghèo nhưng người dân rất tự hào về truyền thống văn hóa, trên địa bàn xã có 2 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia: Đó là Nhà thờ Lê Hữu Tạo và Nhà thờ Cao Thắng.

Nhà thờ, mộ Lê Hầu Tạo: Mộ và nhà thờ Lê Hữu Tạo (1791-1821) tại sườn núi Mộc Bài, thôn Thọ  Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn. Sau khi bị chính quyền nhà Nguyễn giết hại, thi hài ông được đưa về quê an táng, mộ tròn có đường kính 3m, vẫn được chăm sóc chu đáo[3]. Theo gia phả thì ngay sau khi mất, họ hàng đã làm nhà thờ tạm để thờ ông và dòng họ.

Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái (1907), họ Lê mới cho xây dựng nhà thờ như quy cách hiện nay, gồm 3 gian hai hồi bằng gỗ mít lợp ngói mũi hài. Điều khác biệt của nhà thờ họ Lê so với các nhà thờ các dòng họ khác trong xã Sơn Lễ là kiến trúc ngôi nhà được xây dựng để làm nơi thờ cúng. Điều này được thể hiện bằng dòng Hán tự chạm khắc chân phương tại ngay cửa nhà nhờ. Đó là 4 chữ 黎 氏 祠 堂 - Lê Thị Từ Đường (Nhà thờ họ Lê). Năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại (1941), nhà thờ đã trùng tu lại. Song trong kháng chiến chống Mỹ,  nhà thờ đã bị máy bay Mỹ đã phá hoại nặng nề và chỉ còn lại nhà chính và một mái hiên. Sau chiến tranh, nhà thờ đã được tu sửa hoàn chỉnh như hiện nay.

Nhà thờ còn lưu lại bức đại tự gồm 3 chữ 洋 洋 如 – Dương Dương Như. Câu này trích trong sách Trung Dung:  洋 洋 乎, 如 在 其 上, 如 在 其 左 右 (Dương dương hồ, như tại kì thượng, như tại kỳ tả hữu), nghĩa là:  trai giới tinh khiết, ăn mặc nghiêm trang để tế lễ, rực rỡ như ở trên đầu, như ở bên trái bên phải khắp nơi.

Nhà thờ, mộ Lê Hầu tạo được Nhà nước công nhận là di tích danh nhân lịch sử, niên đại thế kỷ XVI, được xếp hạng theo Quyết định số 188 QĐ/BT, vào ngày 13/2/1995.

Nhà thờ Cao Thắng

Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng dựng trên một ngọn đồi ở xóm Lộc Giang, Hàm Lại (nay là thôn Cao Thắng), xã Sơn Lễ.

Thật ra, đây không phải là nhà thờ riêng Cao Thắng mà là nhà thờ họ Cao Sơn Lễ. Theo gia phả, chi họ Cao này gốc từ họ Cao Diễn Châu, Nghệ An. Ông Cao Như Cương (đời thứ 11) di cư vào xã Đỗ Xá, Hương Sơn. Đầu thế kỷ XX, một phần đất Đỗ Xá, nơi họ Cao ở tách ra thành xã Thuần Mỹ, nay là xã Sơn Mỹ. Người con thứ tư của Cao Như Cương dời đến xã Phúc Dương, đến đời Cao Như Niên – con thứ tư của Hiệu sinh Cao Quỳ - mới dời sang xóm Nhà Nàng, sau là thôn Yên Đức.

Cao Thắng (1864-1893) là nhà tổ chức, chỉ huy quân sự tài năng, cánh tay phải của Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo phong trào cần vương chống Pháp ở Thanh Nghệ Tĩnh Bình cuối thế kỷ XIX. Nhà thờ họ Cao, nơi thờ Chưởng vệ Cao Thắng, không cao to, không chạm trổ, nhưng tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là làng xóm trù phú, đường làng uốn lượn quanh các triền núi, tạo nên vẻ hoành tráng cho di tích.

Ngoài cửa nhà thờ bức đại tự khắc gỗ gồm chữ: 祭 如 在 - Tế Như Tại (Dịch nghĩa: Cúng giỗ tổ tiên như thấy tổ tiên đang hiện diện, cũng tế thần như thấy thần đang hiện diện).

Bên ngoài  là 2 cặp câu đối:

爲 地 億 年 培 氣 脉

禮 庭 萬 代 有 依 冠

Phiên âm: Vi địa ức niên bồi khí mạch

                 Lễ đình vạn đại hữu y quan

Dịch nghĩaVì đất muôn năm bồi dưỡng khí mạch

                    Lễ nghĩa trong nhà muôn thuở có áo mũ người làm quan

và:

福 地 遠 引 咸 山 垓

德 澤 長 流 賴 始 深

Phiên âmPhúc địa viễn dẫn hàm sơn cai

                 Đức trạch trường lưu lại thủy thâm

Dịch nghĩaĐất phúc dẫn mãi từ xưa đến còn chứa như núi cao

                   Đức trạch cha ông lưu chảy mãi như dựa vào nước sâu

Trong ngôi nhà ba gian, chính giữa là bàn thờ vị Tiên tổ, Hiệu sinh Cao Quỳ. Gian bên phải thờ các vị Tiên linh họ Cao theo thứ bậc...

Bàn thờ Cao Thắng đặt ở gian bên trái nổi bật là bức tượng bán thân dáng uy nghiêm.

Sau khi nhà thờ được công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, Nhà nước đã đầu tư tu sửa, tôn tạo ngôi nhà đẹp đẽ hơn: lát sân gạch, đặt bồn hoa cây cảnh, xây cổng ngoài và tường bao xung quanh.

Con cháu họ Cao cũng mua lại ngôi hạ đường đền Thọ Lộc xã Sơn Lễ (phá dỡ hồi hợp tự) đưa về dựng phía trước nhà thờ, làm nhà khách. Ngôi nhà này bằng gỗ thiết mộc, cao rộng hơn, được chạm trổ tinh xảo, nhưng nền đặt ở bậc thấp theo mái đồi, càng tôn thêm ngôi Thượng đường, tạo nên vẻ hoành tráng, cổ kính của khu Di tích. Trong tương lai không xa, sẽ có con đường xây giật cấp từ chân đồi lên cổng nhà thờ.

Nhà thờ Cao Thắng được Nhà nước công nhận di tích danh nhân lịch sử văn hóa theo Quyết định số 95 QĐ/BVHTT ngày 24/1/1998. Đến chiêm ngưỡng Di tích lịch sử - Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng cũng là đến với một trong những vùng quê tươi đẹp, in đậm dấu vết lịch sử...

Ngoài ra, còn phải kể đến các di tích tiêu biểu:

Đền Thọ Lộc: Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII được tu sửa và đến thế kỷ XX được sắc phong: Thượng Thượng đẳng tôn thần, thờ thần Cao Sơn. Năm 1966, chùa bị phá bỏ[4].

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tại chợ Gôi có một ngôi đình lớn là nơi tế thần của cả tổng An Ấp. Hàng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, các vị thần bao gồm cả thiên thần và nhân thần được thờ trong các đền miếu của các làng trong tổng An Ấp, gồm cả 6 xã hiện nay, được các chức sắc cùng nhân dân các làng với mũ áo tề chỉnh, long trọng kiệu rước bằng cả đường thuỷ trên sông Ngạn Phố và bằng đường bộ về đình chợ Gôi để tổ chức tế lễ. Hàng chục vị thần được thờ phụng ở các đền miếu và các nhà thờ họ Tống, họ Trần v.v. ở làng Văn Giang, đền Bạch Vân, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn Xuân v.v. ở làng Thịnh Xá, đền Gôi Mỹ, nhà Thánh, nhà thờ họ Đinh Nho, họ Nguyễn Khắc v.v. ở làng Gôi Mỹ, đền Bình Hoà, đền Xuân Lưu, nhà thờ họ Tống, họ Hà, họ Phan v.v. ở làng Bình Hoà, đền Xuân Trì, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn ở Kẻ E, đền Yên Bài ở làng Yên Bài, đền Kim Qui thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở làng Ninh Xá, đền Thọ Lộc ở làng Thọ Lộc v.v. đều được rước về đình Gôi Vị.

Ngoài ra, các di tích lịch sử văn hóa trước đây tại địa phương còn có:

Đền Ráithuộc làng Hàm Lại. Chùa bị phá dỡ khoảng năm 1960.

Đền Nông, thuộc làng Thọ Lộc.

- Miếu thờ: Ở Hàm Lại thờ Thành hoàng ở thôn Chùa.

Ngoài ra, ngày trước mỗi làng cổ đều được dân làng lập một nền tế (chính là đàn xã tắc để tế trời đất), để cầu mong mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.

Truyền thống giáo dục, khoa cử

Sơn Lễ, từ xưa tuy không có nhiều người đỗ đạt cao, nhưng là vùng đất hiếu học. Đời Lê Hy Tông có Sinh đồ Nguyễn Đình Nghi, đời Nguyễn có các cử nhân:

Phan Khắc Kiệm, người xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, đỗ ân khoa năm Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ 2 (1842).

Nguyễn Văn Khoán (làm Huấn đạo Can Lộc – được phong Hàn Lâm viện thị độc),

Nguyễn Văn Xán (Điển pháp học chánh nha - tỉnh Bình Thuận, được phong Quang lộc tự thiếu khanh),

Phạm Lê Cung (làm Hậu bổ Bình Định), Nguyễn Văn Chúc (Tri phủ - được phong Hồng lô tự khanh),

Nguyễn Đình Quế, người xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn. Ông đỗ khoa thi năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855);

Tú tài, có: Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Quang Duật, Nguyễn Quang Mại, Nguyễn Quang Hoài, Nguyễn Đình Hiển (những cử nhân, tú tài phần lớn là người xóm Sắn); thời thuộc Pháp toàn xã có 12 đậu Pờ-ri me, 6 người đậu Đíp–lôm (Thành chung); Ông Nguyễn Văn Hoàng (1915- 1955) có bằng Cao đẳng sư phạm, ông Nguyễn Quang Lưu có bằng kỹ sư Canh nông (mất ở Pháp), đậu cử nhân có ông Nguyễn Văn Tài, cử nhân toán. Ông được phong hàm Đại tá, nguyên Viện trưởng Viện Quân giới (Bộ Quốc phòng) - là người cùng với Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa xây dựng ngành quân giới Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng 8-1945, việc học hành được quan tâm, các lớp bình dân học vụ vào ban đêm mở khắp các thôn xóm, người người đua nhau đi học. Năm 1965 các trường cấp I, cấp II xã Sơn Lễ được thành lập. Đến nay, Sơn Lễ có đủ các cấp học hoàn chỉnh, có trường lớp khang trang kiên cố. Hàng năm có hơn 700 em đi học từ Mẫu giáo đến  trung học cơ sở. Hiện nay, Sơn Lễ có 11 người có học hàm, học vị: cố Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Lựu, nguyên Giám đốc Học viện quân sự, ông Lê Xuân Đồng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Giáo sư Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài Nhân (Trường ĐH Ngoại ngữ), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Đình Lê-Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Hiện đại- Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội), Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Hữu Tài (nguyên Phó Tổng GĐ Tổng công ty chè Việt Nam-  Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam), Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Quang Cung, TS Nguyễn Quang Duệ (Kinh tế), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hữu (quân sự) và 250 người đang theo học ở các trường đại học.

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 189.795
Online: 12