Các di tích lịch sử văn hóa

Sơn Lễ có nhiều công trình tín ngưỡng văn hoá được xây dựng từ cổ xưa như đền, chùa, đình, miếu. Tuy sau cuộc cách mạng văn hóa, nhiều di tích lịch sử bị phá hủy, song trong tâm thức của người dân Sơn Lễ, những công trình văn hóa như đền Thọ Lộc vẫn còn ghi nhiều dấu ấn đậm nét.

Sơn Lễ tuy là một xã nghèo nhưng người dân rất tự hào về truyền thống văn hóa, trên địa bàn xã có 2 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia: Đó là Nhà thờ Lê Hữu Tạo và Nhà thờ Cao Thắng.

Nhà thờ, mộ Lê Hầu Tạo: Mộ và nhà thờ Lê Hữu Tạo (1791-1821) tại sườn núi Mộc Bài, thôn Thọ  Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn. Sau khi bị chính quyền nhà Nguyễn giết hại, thi hài ông được đưa về quê an táng, mộ tròn có đường kính 3m, vẫn được chăm sóc chu đáo[1]. Theo gia phả thì ngay sau khi mất, họ hàng đã làm nhà thờ tạm để thờ ông và dòng họ.

Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái (1907), họ Lê mới cho xây dựng nhà thờ như quy cách hiện nay, gồm 3 gian hai hồi bằng gỗ mít lợp ngói mũi hài. Điều khác biệt của nhà thờ họ Lê so với các nhà thờ các dòng họ khác trong xã Sơn Lễ là kiến trúc ngôi nhà được xây dựng để làm nơi thờ cúng. Điều này được thể hiện bằng dòng Hán tự chạm khắc chân phương tại ngay cửa nhà nhờ. Đó là 4 chữ 黎 氏 祠 堂 - Lê Thị Từ Đường (Nhà thờ họ Lê). Năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại (1941), nhà thờ đã trùng tu lại. Song trong kháng chiến chống Mỹ,  nhà thờ đã bị máy bay Mỹ đã phá hoại nặng nề và chỉ còn lại nhà chính và một mái hiên. Sau chiến tranh, nhà thờ đã được tu sửa hoàn chỉnh như hiện nay.

Nhà thờ còn lưu lại bức đại tự gồm 3 chữ 洋 洋 如 – Dương Dương Như. Câu này trích trong sách Trung Dung:  洋 洋 乎, 如 在 其 上, 如 在 其 左 右 (Dương dương hồ, như tại kì thượng, như tại kỳ tả hữu), nghĩa là:  trai giới tinh khiết, ăn mặc nghiêm trang để tế lễ, rực rỡ như ở trên đầu, như ở bên trái bên phải khắp nơi.

Nhà thờ, mộ Lê Hầu tạo được Nhà nước công nhận là di tích danh nhân lịch sử, niên đại thế kỷ XVI, được xếp hạng theo Quyết định số 188 QĐ/BT, vào ngày 13/2/1995.

Nhà thờ Cao Thắng

Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng dựng trên một ngọn đồi ở xóm Lộc Giang, Hàm Lại (nay là thôn Cao Thắng), xã Sơn Lễ.

Thật ra, đây không phải là nhà thờ riêng Cao Thắng mà là nhà thờ họ Cao Sơn Lễ. Theo gia phả, chi họ Cao này gốc từ họ Cao Diễn Châu, Nghệ An. Ông Cao Như Cương (đời thứ 11) di cư vào xã Đỗ Xá, Hương Sơn. Đầu thế kỷ XX, một phần đất Đỗ Xá, nơi họ Cao ở tách ra thành xã Thuần Mỹ, nay là xã Sơn Mỹ. Người con thứ tư của Cao Như Cương dời đến xã Phúc Dương, đến đời Cao Như Niên – con thứ tư của Hiệu sinh Cao Quỳ - mới dời sang xóm Nhà Nàng, sau là thôn Yên Đức.

Cao Thắng (1864-1893) là nhà tổ chức, chỉ huy quân sự tài năng, cánh tay phải của Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo phong trào cần vương chống Pháp ở Thanh Nghệ Tĩnh Bình cuối thế kỷ XIX. Nhà thờ họ Cao, nơi thờ Chưởng vệ Cao Thắng, không cao to, không chạm trổ, nhưng tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là làng xóm trù phú, đường làng uốn lượn quanh các triền núi, tạo nên vẻ hoành tráng cho di tích.

Ngoài cửa nhà thờ bức đại tự khắc gỗ gồm chữ: 祭 如 在 - Tế Như Tại (Dịch nghĩa: Cúng giỗ tổ tiên như thấy tổ tiên đang hiện diện, cũng tế thần như thấy thần đang hiện diện).

Bên ngoài  là 2 cặp câu đối:

爲 地 億 年 培 氣 脉

禮 庭 萬 代 有 依 冠

Phiên âm: Vi địa ức niên bồi khí mạch

                 Lễ đình vạn đại hữu y quan

Dịch nghĩaVì đất muôn năm bồi dưỡng khí mạch

                    Lễ nghĩa trong nhà muôn thuở có áo mũ người làm quan

và:

福 地 遠 引 咸 山 垓

德 澤 長 流 賴 始 深

Phiên âmPhúc địa viễn dẫn hàm sơn cai

                 Đức trạch trường lưu lại thủy thâm

Dịch nghĩaĐất phúc dẫn mãi từ xưa đến còn chứa như núi cao

                   Đức trạch cha ông lưu chảy mãi như dựa vào nước sâu

Trong ngôi nhà ba gian, chính giữa là bàn thờ vị Tiên tổ, Hiệu sinh Cao Quỳ. Gian bên phải thờ các vị Tiên linh họ Cao theo thứ bậc...

Bàn thờ Cao Thắng đặt ở gian bên trái nổi bật là bức tượng bán thân dáng uy nghiêm.

Sau khi nhà thờ được công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, Nhà nước đã đầu tư tu sửa, tôn tạo ngôi nhà đẹp đẽ hơn: lát sân gạch, đặt bồn hoa cây cảnh, xây cổng ngoài và tường bao xung quanh.

Con cháu họ Cao cũng mua lại ngôi hạ đường đền Thọ Lộc xã Sơn Lễ (phá dỡ hồi hợp tự) đưa về dựng phía trước nhà thờ, làm nhà khách. Ngôi nhà này bằng gỗ thiết mộc, cao rộng hơn, được chạm trổ tinh xảo, nhưng nền đặt ở bậc thấp theo mái đồi, càng tôn thêm ngôi Thượng đường, tạo nên vẻ hoành tráng, cổ kính của khu Di tích. Trong tương lai không xa, sẽ có con đường xây giật cấp từ chân đồi lên cổng nhà thờ.

Nhà thờ Cao Thắng được Nhà nước công nhận di tích danh nhân lịch sử văn hóa theo Quyết định số 95 QĐ/BVHTT ngày 24/1/1998. Đến chiêm ngưỡng Di tích lịch sử - Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng cũng là đến với một trong những vùng quê tươi đẹp, in đậm dấu vết lịch sử...

Ngoài ra, còn phải kể đến các di tích tiêu biểu:

Đền Thọ Lộc: Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII được tu sửa và đến thế kỷ XX được sắc phong: Thượng Thượng đẳng tôn thần, thờ thần Cao Sơn. Năm 1966, chùa bị phá bỏ[2].

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tại chợ Gôi có một ngôi đình lớn là nơi tế thần của cả tổng An Ấp. Hàng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, các vị thần bao gồm cả thiên thần và nhân thần được thờ trong các đền miếu của các làng trong tổng An Ấp, gồm cả 6 xã hiện nay, được các chức sắc cùng nhân dân các làng với mũ áo tề chỉnh, long trọng kiệu rước bằng cả đường thuỷ trên sông Ngạn Phố và bằng đường bộ về đình chợ Gôi để tổ chức tế lễ. Hàng chục vị thần được thờ phụng ở các đền miếu và các nhà thờ họ Tống, họ Trần v.v. ở làng Văn Giang, đền Bạch Vân, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn Xuân v.v. ở làng Thịnh Xá, đền Gôi Mỹ, nhà Thánh, nhà thờ họ Đinh Nho, họ Nguyễn Khắc v.v. ở làng Gôi Mỹ, đền Bình Hoà, đền Xuân Lưu, nhà thờ họ Tống, họ Hà, họ Phan v.v. ở làng Bình Hoà, đền Xuân Trì, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn ở Kẻ E, đền Yên Bài ở làng Yên Bài, đền Kim Qui thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở làng Ninh Xá, đền Thọ Lộc ở làng Thọ Lộc v.v. đều được rước về đình Gôi Vị.

Ngoài ra, các di tích lịch sử văn hóa trước đây tại địa phương còn có:

Đền Ráithuộc làng Hàm Lại. Chùa bị phá dỡ khoảng năm 1960.

Đền Nông, thuộc làng Thọ Lộc.

- Miếu thờ: Ở Hàm Lại thờ Thành hoàng ở thôn Chùa.

Ngoài ra, ngày trước mỗi làng cổ đều được dân làng lập một nền tế (chính là đàn xã tắc để tế trời đất), để cầu mong mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.

 


[1] Mộ tại nghĩa trang Hố Quảng.

[2] Hiện nay, đền Thọ Lộc hầu như đã bị tàn phá, chỉ còn lại dấu tích nền móng cũ. Các cụ kể lại là đền thờ thần Cao Sơn đại vương, tuy nhiên do nguồn tài liệu thành văn không còn, nên khó có thể khẳng định điều này.

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 189.744
Online: 20