Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh, toàn tỉnh có nơi mưa to, trời chuyển rét, trong đó có một số ngày chuyển rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Để tăng cường các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện hướng dẫn bà con chăn nuôi thực hiện một số biện pháp như sau:

1. Đối với trâu, bò, hươu, dê

- Chuồng trại: Chủ động làm chuồng trại, gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt: củi, trấu, mùn cưa ... để đốt hoặc sử dụng bóng điện hồng ngoại để sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

- Thức ăn: Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.

- Chăm sóc nuôi dưỡng:

+ Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; gia súc già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.

+ Cho trâu bò ăn đủ lượng cỏ các loại (là cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê) với lượng từ 30-40kg và 1-2 kg thức ăn tinh (là bột ngô, sắn, cám gạo...) trong một ngày đêm đối với 01 trâu, bò khối lượng 300 kg.

+ Bổ sung muối ăn với lượng 10-30g muối/10 lít nước (nước ấm 37-38oC) cho trâu, bò uống.

+ Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp (dưới 150C).

- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Hanlusep, Han-Iodine, Benkocid và rải vôi bột…

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định.

2. Đối với lợn

- Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 150C .

- Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.

- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid và rải vôi bột…

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn.

3. Đối với gà

- Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.

- Mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2.

- Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.

- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo quy định.

Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh.

Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 191.131
    Online: 8